Các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp và thoái hóa khớp… rất thường gặp ở người cao tuổi. Có một số cách có thể giúp phòng ngừa các tình trạng này.
Lão hóa là quy luật mà chúng ta không thể tránh khỏi. Khi cao tuổi, các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp , tim mạch, thoái hóa khớp, béo phì, mỡ máu… sẽ thường gặp hơn. Thậm chí, một người có thể đồng thời mắc nhiều hơn hai bệnh mắc phải.
Do đó, điều quan trọng là phải thực hiện các thay đổi lối sống cụ thể, để ngăn ngừa và giảm tác động của các bệnh này. Ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng… là một phần quan trọng giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính nguy hiểm. Bên cạnh đó cần thường xuyên hoạt động thể chất và ăn uống lành mạnh…
1. Hoạt động thể chất giúp phòng ngừa bệnh mạn tính
Hoạt động thể chất được ví như viên thuốc quan trọng và rẻ tiền, dễ thực hiện nhất, mà người ta có thể sử dụng để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm.
Hoạt động thể chất có thể bao gồm một lối sống tích cực, tham gia vào các hoạt động hằng ngày hoặc giải trí hay tập luyện thể thao…
Các hoạt động tăng cường cơ và xương sẽ giúp người cao tuổi giữ gìn và duy trì sự độc lập trong cuộc sống hàng ngày. Lợi ích quan trọng nhất là ngăn ngừa té ngã và giúp chuyển động khớp trơn tru hơn.
Nên hoạt động thể chất ít nhất 30 phút/ngày hay 150 phút/tuần với cường độ vừa phải. Các hoạt động với cường độ vừa phải như: Đi bộ nhanh, làm việc nhà, làm vườn, di chuyển đồ vật <20kg, giải trí tích cực, khiêu vũ…
Cần cá nhân hóa hoạt động thể chất đối với các vấn đề của bạn sẽ là liều thuốc tốt nhất và là một phần quan trọng trong điều trị. Hãy ngồi ít hơn, di chuyển nhiều hơn và luôn tâm niệm rằng, di chuyển chính là thuốc phòng và trị bệnh.
Hoạt động thể chất là thuốc phòng và trị bệnh mạn tính
2. Giảm cân
Giảm cân là một cách khác có thể ngăn ngừa bệnh đái tháo đường hoặc bệnh tim, cũng như bệnh v iêm xương khớp. Ít nhất giảm 5% số cân nặng (nếu thừa cân) có thể mang lại một cuộc sống lành mạnh hơn về mặt trao đổi chất và cải thiện nhiều khía cạnh của bệnh tật.
Bằng cách giảm lượng mỡ trong cơ thể, chúng ta sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim cả trực tiếp và gián tiếp.
3. Thay đổi chế độ ăn uống
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh tật, những thay đổi trong chế độ ăn uống sẽ giúp giảm nguy cơ và các biến chứng của các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường và bệnh tim…
Bất kỳ chế độ ăn uống nào giàu trái cây, rau, các loại đậu, cá hoặc thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh… sẽ giữ cho trái tim khỏe mạnh.
Cần có đủ calo và dinh dưỡng để có một cuộc sống chất lượng. Tránh chế độ ăn kiêng quá mức.
4.Bỏ thuốc lá
Bỏ thuốc lá là một trong những hành động quan trọng nhất mà mọi người có thể thực hiện để cải thiện sức khỏe của mình.
Ngừng hút thuốc (hoặc không bao giờ bắt đầu hút) làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, ung thư, đái tháo đường type 2, cũng như tử vong sớm…
Cụ thể, b ỏ thuốc lá sẽ giúp:
- Cải thiện tình trạng sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Làm giảm nguy cơ tử vong sớm và có thể tăng thêm 10 năm tuổi thọ.
- Làm giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm kết quả sức khỏe sinh sản kém, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và ung thư.
- Mang lại lợi ích cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch vành hoặc COPD…
5. Giảm căng thẳng
Giảm căng thẳng giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp…)
Căng thẳng là vấn đề thực tế không thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Nó có thể xảy ra ở nhiều cấp độ khác nhau về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc và tác động tiêu cực lên các hệ thống, cơ quan của cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như trầm cảm, tăng huyết áp …
Giảm căng thẳng bằng âm nhạc, khiêu vũ, thiền, yoga, tập im lặng vài phút mỗi ngày… có thể hữu ích. Chọn phương pháp phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân sẽ dễ thực hiện hơn.