Ăn một chế độ ăn chống viêm sẽ không chữa khỏi bệnh viêm khớp, nhưng nó có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của viêm khớp (giảm viêm khớp)…
Viêm là một phản ứng bình thường trong cơ thể và nó thực sự là một điều tốt để chống lại nhiễm trùng. Khi bạn bị trầy xước hoặc bầm tím ở đầu gối, vết đỏ và sưng xung quanh khu vực đó là kết quả của tình trạng viêm cấp tính . Cơ thể đang gửi phản ứng của các tế bào bạch cầu để bảo vệ và chữa lành tổn thương. Do đó, viêm là có lợi.
Tuy nhiên, một số tình trạng như các loại viêm khớp khác nhau, có thể khiến cơ thể phản ứng với các chất hoặc tình trạng bất thường trong cơ thể, với tình trạng viêm mạn tính và hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các khớp và mô của chính bạn. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài này có thể tác động tiêu cực đến cơn đau và sức khỏe tổng thể.
Người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ để xác định sự kết hợp tốt nhất giữa các phương pháp điều trị viêm khớp và thay đổi lối sống cho tình trạng cụ thể của mình.
Viêm khớp là tình trạng rất thường gặp.
Đối với viêm khớp như thấp khớp và vẩy nến… thuốc điều trị bệnh là cần thiết để giúp kiểm soát tình trạng viêm và ngăn ngừa tổn thương lâu dài cho khớp, cũng như các cơ quan khác như tim, phổi, thận… Tuy nhiên, cách bạn ăn uống có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh viêm khớp của mình.
1. Chế độ ăn kiêng chống viêm là gì?
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrition in Clinical Practice, chế độ ăn kiêng chống viêm khớp tập trung vào các loại thực phẩm toàn phần, có nguồn gốc thực vật, giàu chất béo lành mạnh và chất dinh dưỡng thực vật…
Thực phẩm chống viêm cũng giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Các loại thực phẩm có thể giảm viêm được coi là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh cũng như có thể giúp bạn giảm cân và giảm áp lực lên khớp.
2. Một số thực phẩm giúp giảm viêm khớp
Dưới đây là 7 loại thực phẩm chống viêm, có thể thêm vào chế độ ăn uống như là một phần của kế hoạch điều trị viêm khớp tổng thể của người bệnh:
2.1. Thực phẩm giàu omega-3 giúp giảm viêm khớp
Các axit béo omega-3 trong cá có thể giúp ngăn chặn sự hình thành các hợp chất gây viêm nhiễm trong cơ thể. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người bị viêm khớp dạng thấp ăn cá hai lần trở lên, mỗi tuần, có ít triệu chứng hơn đáng kể so với những người không bao giờ ăn cá.
Do đó, bạn nên ăn một khẩu phần cá béo khoảng 100 gam như cá hồi, cá thu hoặc cá mòi, hai đến bốn lần một tuần. Cá tươi hay cá đóng hộp đều là những lựa chọn tốt cho sức khỏe.
2.2 Ăn nhiều trái cây và rau quả
Ăn nhiều loại trái cây và rau quả đảm bảo bạn nhận được nhiều chất dinh dưỡng thực vật chống viêm, các hóa chất tự nhiên có trong thực vật. Mặc dù tất cả các loại trái cây và rau đều có lợi, nhưng một số loại có khả năng chống viêm nhiều hơn những loại khác như các loại quả mọng, ớt chuông, bơ…
Quả mọng chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm khớp.
1.3 Các loại đậu
Các loại đậu như đậu đen, đậu tây, đậu lăng… rất giàu chất dinh dưỡng thực vật cũng như chất xơ. Nghiên cứu cho thấy chúng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, tăng cường các loại đậu để tăng cường chất xơ và các dưỡng chất thực vật, giúp chống viêm.
2.4 Các loại hạt
Các loại hạt giàu omega- 3, chất xơ, L-arginine và magie… là nguồn cung cấp năng lượng chống viêm nhiễm. Các nghiên cứu đã liên kết việc ăn nhiều loại hạt với việc giảm nồng độ các dấu hiệu viêm trong máu.
Một số loại hạt như quả óc chó, hạt điều, hạnh nhân, quả hồ trăn… đều có lợi ích chống viêm. Hãy thử rắc các loại hạt đã nghiền lên trên món ăn để tăng thêm kết cấu và hương vị hoặc chỉ đơn giản là nhai một ít hạt giữa các bữa ăn.
2.5 Dầu ô liu
Dầu ô liu rất giàu hợp chất phenolic (được gọi là oleocanthal) có đặc tính chống viêm tương tự như ibuprofen. Đây có thể là một trong những lý do đằng sau tác động tích cực của chế độ ăn Địa Trung Hải đối với sức khỏe tim mạch.
Hãy tìm dầu ô liu nguyên chất hoặc siêu nguyên chất để đảm bảo dầu của bạn có lượng hợp chất này tối đa.
2.6 Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc có thể rất tốt cho chứng viêm nhiễm, tùy thuộc vào loại bạn chọn. Ngũ cốc nguyên hạt – sản phẩm làm từ ngũ cốc có cả ba phần (mầm, cám, nội nhũ) nguyên vẹn – được coi là chất chống viêm.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí dinh dưỡng, những người ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt có lượng hợp chất gây viêm thấp hơn. Mặt khác, các loại ngũ cốc tinh chế, đã loại bỏ lớp cám và mầm bên ngoài, có liên quan đến các hợp chất gây viêm ở mức độ cao hơn trong cơ thể.
2.7 Các loại gia vị chống viêm
Một số loại gia vị có tác dụng chống viêm có sẵn trong mỗi gian bếp, ví dụ như gừng, nghệ… Các hợp chất polyphenol được tìm thấy trong các loại thảo mộc và gia vị có thể phá vỡ các con đường gây viêm của cơ thể, tạo ra một rào cản chống lại chứng viêm.
Ví dụ, curcumin, được tìm thấy trong củ nghệ, là một chất chống viêm mạnh. Thêm nó vào trứng bác hoặc đậu phụ, xay thành sinh tố hoặc trộn với rau củ nướng… đều rất tốt cho sức khỏe.
Tránh chế độ ăn nhiều đường, thực phẩm chế biến sẵn
Đây là các thực phẩm mà chúng ta cần phải tránh xa, nếu muốn có một cơ thể khỏe mạnh.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất béo bão hòa trong các loại thực phẩm này gây ra tình trạng viêm mô mỡ. Đây không chỉ là dấu hiệu của bệnh tim mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp.
Thực phẩm nhiều đường và chất béo chuyển hóa cao cũng là vấn đề gây viêm nhiễm. Đồ uống có đường như soda, món tráng miệng, đồ chiên và bất cứ thứ gì có sốt phô mai hoặc kem… chúng ta cũng cần hạn chế và nên tránh.