GĐXH – Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị ngộ độc nặng, nếu không xử trí kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.
Ngày 6/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị một ca ngộ độc thuốc diệt cỏ cháy Diquat.
Cụ thể, bệnh nhân là nữ, 25 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh. Khai thác tiền sử được biết, do mâu thuẫn với gia đình, bệnh nhân đã uống khoảng 50ml thuốc diệt cỏ cháy GFAXONE (Diquat).
Sau đó, bệnh nhân rơi vào tình trạng kích thích vật vã, buồn nôn, đau rát miệng họng được người nhà đưa vào Trung tâm y tế huyện xử trí đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bơm than hoạt và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh BVCC
Tại đây, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị ngộ độc nặng, nếu không xử trí kịp thời nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được áp dụng các biện pháp như truyền dịch, lợi tiểu tích cực, ức chế miễn dịch bằng liệu pháp corticoid liều cao và chống oxy hóa bằng N-Acetylcystein truyền tĩnh mạch.
Đồng thời, áp dụng biện pháp mới rất có hiệu quả trong điều trị các trường hợp ngộ độc cấp, đó là lọc máu hấp phụ bằng quả lọc resin để hấp phụ lọc bỏ thuốc diệt quả Diquat, kết hợp với lọc máu liên tục giải quyết tình trạng toan chuyển hóa, suy đa tạng do hậu quả Diquat.
Sau 3 lần lọc máu tích cực, bệnh nhân đã được xét nghiệm máu và nước tiểu gửi xuống Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho kết quả đã trở về âm tính.
Trải qua 2 ngày điều trị bằng các biện pháp điều trị tích cực, đúng phác đồ, bệnh nhân tỉnh táo, được rút ống nội khí quản, đỡ buồn nôn, còn rát miệng họng. Sau 1 tuần, tình trạng của bệnh nhân có nhiều tiến triển tích cực, xét nghiệm chức năng các tạng trở về bình thường, đã được cho ra viện.
Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, Diquat là một loại thuốc diệt cỏ tiếp xúc không chọn lọc, mang nhiều đặc điểm tương đồng với Paraquat: tác dụng diệt cỏ nhanh và mang tính độc cao khi xâm nhập cơ thể người.
Biểu hiện lâm sàng của ngộ độc cấp Diquat rất đa dạng và phức tạp, phụ thuộc vào nồng độ, số lượng dung dịch và đường tiếp xúc, tổn thương đa cơ quan, trường hợp nặng có thể tử vong do suy đa tạng.
Tỷ lệ tử vong do ngộ độc cấp Diquat có thể trên 50%, thậm chí nếu phải di chuyển quãng đường xa, không được lọc máu kịp thời để chất độc đã ngấm sâu vào các mô, cơ quan thì nguy cơ tử vong gần như 100%.
Loại rau giá rẻ như cho với tác dụng thần kỳ ít người biết