Nhiều người thắc mắc, đã nhiễm Covid-19 là sinh kháng thể, vậy tiêm một mũi vắc xin rồi bị nhiễm Covid-19, liệu có cần tiêm mũi thứ 2 không?
Để trả lời câu hỏi này, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa Epidemiology & Infection cho thấy nếu bạn bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên, bạn có thể ít được bảo vệ hơn, theo Best Life.
Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng người bị nhiễm Covid-19 nếu được tiêm chủng đầy đủ có khả năng bảo vệ tốt nhất chống Covid-19. Cố vấn y tế của Nhà Trắng, bác sĩ Anthony Fauci, cho biết nếu bạn đã chữa khỏi Covid-19 và được tiêm phòng, mức độ miễn dịch của bạn sẽ rất cao, vượt qua bất cứ người tiêm 2 mũi vắc xin nào.
Nghiên cứu đã nhấn mạnh người đã tiêm 1 mũi vắc xin không được bỏ lỡ mũi thứ hai, ngay cả khi họ đã nhiễm Covid-19 sau khi tiêm mũi đầu tiên. Ảnh SHUTTERSTOCK
Nhưng nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra rằng nhiễm Covid-19 không phải lúc nào cũng mang lại khả năng bảo vệ cao hơn, đặc biệt đối với người bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên.
Người đã tiêm một mũi vắc xin rồi nhiễm Covid-19 có cần tiêm mũi 2?
Nghiên cứu phát hiện người nhiễm Covid-19 trước khi tiêm và sau khi tiêm 1 mũi vắc xin có mức kháng thể hoàn toàn khác nhau. Người nhiễm Covid-19 sau khi tiêm một mũi vắc xin có mức kháng thể thấp hơn nhiều so với người nhiễm Covid-19 trước khi tiêm chủng, theo Best Life.
Chính vì vậy, nghiên cứu đã nhấn mạnh người đã tiêm một mũi vắc xin không được bỏ lỡ mũi thứ hai, ngay cả khi họ đã nhiễm Covid-19 sau khi tiêm mũi đầu tiên.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã theo dõi 541 nhân viên y tế từ Trung tâm Y tế Ziv ở miền bắc Israel bằng cách thường xuyên lấy mẫu m.áu để đo mức kháng thể của họ sau khi tiêm vắc xin.
Kết quả cho thấy, những người nhiễm Covid-19 sau khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên, không có mức kháng thể cao hơn những người chưa nhiễm nhưng đã tiêm đủ 2 mũi.
Thực tế, các nhà nghiên cứu cho biết những người đã tiêm một mũi vắc xin rồi bị nhiễm Covid-19, sau đó không tiêm mũi thứ hai, có mức kháng thể chỉ bằng với người chưa nhiễm chỉ tiêm một mũi vắc xin.
Cụ thể, mức kháng thể ở những người bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm một mũi vắc xin được đo vào thời điểm 21 và 50 ngày sau khi tiêm, chỉ bằng với những người chưa nhiễm mới tiêm một mũi và thấp hơn nhiều so với những người nhiễm Covid-19 trước khi tiêm chủng.
Tiến sĩ Michael Edelstein, Phó giáo sư Y tế công cộng tại Đại học Bar-Ilan, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Y tế Ziv (Israel), cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy người mới tiêm một mũi vắc xin rồi bị nhiễm Covid-19 vẫn phải tiêm mũi vắc xin thứ hai. Mũi thứ hai cung cấp sự bảo vệ tối ưu cho những bệnh nhân bị nhiễm bệnh sau khi tiêm mũi thứ nhất”, theo Best Life.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo mọi người nên tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đặc biệt những người nhiễm Covid-19 sau khi tiêm mũi đầu tiên.
Nếu bạn đã bị nhiễm Covid-19 sau mũi tiêm vắc xin đầu tiên, CDC Mỹ khuyên nên chờ cho đến khi khỏi bệnh và đáp ứng đủ các yêu cầu về tiêm chủng, thì hãy tiêm mũi thứ hai, theo Best Life.
Tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ tái nhiễm trong tương lai ở những người đã từng nhiễm Covid-19.
Chăm sóc F0 tại nhà: Chia nhỏ để quản, 2 người theo dõi 10 người bệnh
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương thành lập tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 (F0).
Nhân viên y tế và chiến sĩ quân y tại trạm y tế lưu động phường 5, quận Gò Vấp gọi điện thoại cập nhật tình hình sức khỏe, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các F0 đang cách ly tại nhà trên địa bàn phường – Ảnh: XUÂN MAI
Theo đại diện các địa phương và chuyên gia, việc này giúp quản lý người F0 tại cộng đồng chặt hơn, giảm tải ở các bệnh viện.
Mỗi tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng có ít nhất 3 người để theo dõi, hỗ trợ, điều trị từ 10 đến 20 người F0 và làm các công việc phòng chống dịch khác.
Việc thành lập tổ chăm sóc F0 trong cộng đồng là giải pháp phù hợp ở một số quốc gia có nguồn lực y tế còn thấp. Đặc biệt tại TP.HCM, khi y tế tuyến cơ sở hiện nay đang “gánh” một khối lượng chăm sóc, theo dõi F0 rất lớn. Xây dựng tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng sẽ bổ sung thêm nhân lực cho ngành y tế, từ đó giúp giảm tải công việc cho nhân viên y tế, đặc biệt đối với các phường, xã có số dân đông ở TP.HCM như huyện Bình Chánh, quận Bình Tân… Bên cạnh đó, khi chia nhỏ số lượng sẽ giúp giám sát F0 trong cộng đồng chặt chẽ hơn và bản thân F0 cũng yên tâm hơn khi điều trị tại nhà.
PGS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM)
Cần thêm lực lượng
“Hiện em còn đau họng hay mất khứu giác, vị giác gì không? Em nên ăn uống đầy đủ, không nên ăn quá nhiều dầu mỡ. Khi sốt cao hay có dấu hiệu khó thở thì gọi ngay số máy này cho chị nhé” – một nhân viên y tế tại trạm y tế lưu động phường 5, quận Gò Vấp liên tục hỏi và khuyên người F0 đang cách ly, điều trị tại nhà qua điện thoại vào sáng 23-9.
Từng là người mắc COVID-19 khỏi bệnh, anh Bùi Lê Hoàng Vĩnh Quân (29 t.uổi) đăng ký l.àm t.ình nguyện viên tại trạm y tế lưu động phường 5.
Công việc hằng ngày của anh Quân là cấp phát thuốc cho người F0. Khi nhận thông báo từ Trung tâm y tế phường có người F0 cần đưa đến khu cách ly, anh Quân cũng lo nốt. Trong ngày 23-9, anh Quân cấp phát khoảng 100 túi thuốc cho những người F0 trên địa bàn phường 5.
Đại diện UBND phường 5, quận Gò Vấp cho biết trạm y tế lưu động phường có 12 nhân viên y tế và 3 tình nguyện viên. Tính đến sáng 23-9, phường ghi nhận hơn 400 ca F0 trong tổng số hơn 42.000 dân, tỉ lệ người F0 chiếm gần 1%.
Về việc thành lập tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, vị này cho hay đã nhận được yêu cầu của Sở Y tế TP. Tuy nhiên, do lực lượng y tế hiện tại còn mỏng nên phường sẽ thành lập trong thời gian tới.
Hiện việc quản lý, chăm sóc, cấp cứu, điều trị, phát thuốc cho người F0 hay hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin tại cộng đồng… vẫn do lực lượng nhân viên y tế, quân y và tình nguyện viên tại trạm y tế lưu động phường thực hiện.
Cụ thể, mỗi cá nhân đang quản lý, theo dõi một nhóm người F0, nhưng chưa được tách bạch rõ ràng vì có khi phải choàng gánh những công việc khác.
“Do khối lượng công việc quá nhiều, lực lượng bây giờ bị căng kéo, vừa phải cấp cứu, vừa phải lấy mẫu, làm hồ sơ quản lý người F0, điện thoại tư vấn, thăm khám, phát thuốc” – đại diện UBND phường 5 nói và cho rằng để thành lập tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 thì phải thêm nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh – cho biết hiện tại số người F0 đang điều trị tại phường là 245, được quản lý và chăm sóc sức khỏe bởi 5 trạm y tế lưu động, 1 trạm y tế của phường. Mỗi trạm y tế sẽ phụ trách 15-18 tổ dân phố và chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân F0 tại các tổ dân phố mà trạm phụ trách.
“Hiện tại phường chưa nhận được chỉ đạo triển khai từ quận, tuy nhiên công tác chăm sóc người F0 tại địa bàn vẫn được quản lý tốt, chưa phát sinh nhiều vấn đề khó khăn”, ông Quốc chia sẻ.
Chăm sóc người F0 kỹ hơn
Ngày 10-9, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn triển khai tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng dành cho những địa phương có triển khai quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 (F0) tại nhà. Đến ngày 21-9, Sở Y tế TP.HCM có văn bản khẩn gửi TP Thủ Đức và các quận huyện về việc thành lập tổ này.
Theo giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng, việc thành lập tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2 và tầng 3, giảm tỉ lệ người bệnh chuyển nặng và t.ử v.ong cũng như hỗ trợ trạm y tế, trạm y tế lưu động trong việc chăm sóc và quản lý F0 tại nhà.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ngày 23-9 cho biết tính đến hết ngày 21-9, TP có 35.489 người F0 đang cách ly điều trị tại nhà. Số người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 23.467 người; còn số người đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 3 là 40.970 người.
Chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh chia sẻ khi thành lập thêm tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng thì việc kiểm soát người bệnh sẽ được tốt hơn, giảm tải được cho các bệnh viện. Còn với đại diện UBND phường 5, quận Gò Vấp, khi từng nhóm người cụ thể quản lý một số lượng người F0 nhất định sẽ giúp chăm sóc người F0 kỹ và chặt hơn.
Ông Nguyễn Trung Hòa – giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp – cho biết theo yêu cầu của Bộ Y tế, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 có cơ cấu tổ chức, quy chế, chức năng hoạt động rõ ràng. “Khi chia nhỏ thì chúng ta sẽ quản lý chặt chẽ hơn, mới “thắng” dịch sớm hơn. Chẳng hạn 2 người quản lý 10 người F0 thì khác 20 người quản lý 100 người F0″ – bác sĩ Hòa nói.
Nhiệm vụ tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Tình nguyện viên thuộc trạm y tế lưu động phường 5, quận Gò Vấp đến tận nhà F0 phát túi thuốc A, B vào trưa 23-9 – Ảnh: XUÂN MAI
Sở Y tế TP.HCM cho biết tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng sẽ quản lý, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng; hỗ trợ tiêm chủng; tuyên truyền về công tác phòng chống dịch; hỗ trợ cấp phát thuốc cho người dân.
Tổ chăm sóc có một số điện thoại riêng và trực 24/7 để đảm bảo kết nối với F0, đồng thời cần trang bị nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo SpO2, bình oxy/túi thở oxy, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, phương tiện phòng hộ cá nhân…
Mắc COVID-19, cần liên hệ ai?
Khi nghi ngờ mắc COVID-19 với các triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, mất mùi/vị, đau ngực, khó thở hoặc test nhanh có kết quả dương tính, trước hết người dân cần gọi ngay cho trạm y tế lưu động, tổ COVID cộng đồng hoặc tổ phản ứng nhanh tại địa phương để báo tình trạng bệnh.
Bên cạnh đó, người dân có thể liên hệ nhân viên y tế qua tổng đài 1022 (bấm phím 3 để được tư vấn từ Hội Y học TP.HCM hoặc phím 4 để được tư vấn từ Thầy thuốc đồng hành).
Thêm 4.000 lính quân y tiếp viện TP.HCM
Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) đã tiếp tục điều động 4.000 quân nhân (bao gồm 800 người từ Hà Nội và 3.200 người từ các địa bàn phía Nam) hỗ trợ TP.HCM chống dịch.
Từ nay đến 30-9, lực lượng này sẽ giúp nâng cao năng lực xét nghiệm COVID-19 trên toàn địa bàn TP. Xét nghiệm toàn diện cho người dân ở vùng đỏ, vùng cam và xét nghiệm đại diện hộ gia đình ở vùng xanh, đảm bảo tính trọng tâm của công tác này.