Tối 5/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả giải trình tự gene của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã xác định B5 là kiểu gene (subgenotype) của Enterovirus 71 (EV71) – tác nhân gây bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em vừa được phát hiện quay trở lại qua các trường hợp nặng tại 3 bệnh viện nhi của Thành phố.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cả 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 đều có kết quả PCR dương tính với EV71 và đều có kiểu gene B5. Được biết, kiểu gene B5 của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007 và tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2015, 2018.
Bệnh nhi điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca mắc tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22; trong đó, số ca mắc trong tuần 22 cao gấp hơn 2 lần số ca mắc trong tuần 19.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, theo quy luật hàng năm, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu khoảng tuần thứ 25 (khoảng 2 đến 3 tuần tới) và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm. Trong 2 tuần qua, qua giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh về hoạt động phòng, chống dịch tại các phường, xã đã có 20 điểm nguy cơ (có lăng quăng) trong tổng số 39 điểm được giám sát, chiếm tỷ lệ trên 50%.
“Tỷ lệ này chắc chắn sẽ cao hơn nữa khi thành phố bước vào mùa mưa, nếu từng địa phương và mỗi hộ gia đình không quyết liệt diệt muỗi, diệt lăng quăng để kiểm soát dịch”, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong những tháng sắp tới, TP Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch rất lớn nếu cả thành phố không chủ động thực hiện đồng thời các biện pháp kiểm soát cả 2 dịch bệnh trên ngay từ lúc này.
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện những giải pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình như rửa tay bằng xà phòng, truy tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh lăng quăng; gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn bề mặt và đồ chơi của trẻ. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh truyền nhiễm cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.