Nước đóng vai trò quan trọng là chất vận chuyển chất dinh dưỡng cho cơ thể. Các bác sĩ vẫn thường khuyên, mỗi ngày cần uống đủ 8 ly nước, nhưng trên thực tế uống quá nhiều nước không hề tốt như suy nghĩ của nhiều người.
Tác hại của việc uống quá nhiều nước
Da xỉn màu
Thông tin này có vẻ trái ngược với những gì chúng ta đã biết. Thực tế, uống quá nhiều nước thực sự có thể gây hại cho làn da vì lượng nước quá nhiều có thể khiến cơ thể mất đi các khoáng chất thiết yếu, khiến da xỉn màu và thiếu sức sống.
Sưng các tế bào dẫn đến sưng não
Trong cơ thể có rất nhiều các ion natri và kali tự do hoạt động như chất điện giải giúp cân bằng chất lỏng giữa tế bào và máu. Khi lượng nước đột ngột tăng nhiều khiến nồng độ chất điện giải giảm, nước di chuyển từ máu vào trong tế bào. Điều này làm cho tế bào sưng lên thậm chí có thể dẫn đến sưng não rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Giảm nồng độ kali trong máu
Cách bốc hơi nước nhanh nhất của cơ thể là đi tiểu và đổ mồ hôi, từ đó làm giảm nồng độ kali trong máu. Khi bạn uống nhiều nước, tình trạng này thường xuyên lặp lại trong ngày có thể gây hạ kali với triệu chứng như nôn mửa, huyết áp thấp, tê liệt và tiêu chảy.
Gây ra các bệnh về thận
Thận là cơ quan có chức năng lọc nước, do đó, nếu bạn uống nước quá mức sẽ khiến thận phải tăng giờ hoạt động lên. Lâu ngày, thận mệt mỏi, chức năng suy giảm nên có thể gây ra các bệnh về thận như sỏi thận, yếu thận, suy thận…
Gây động kinh
Uống quá nhiều nước có thể gây căng thẳng quá mức lên tim do lượng máu về tim tăng lên và cũng có thể dẫn tới động kinh trong một số trường hợp.
Một ngày uống bao nhiêu nước là đủ?
Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng nước này còn phụ thuộc vào môi trường sống, thể trạng, chế độ dinh dưỡng, tính chất công việc hàng ngày…
Nếu bạn là người thường xuyên vận động thể chất hay ngồi trong phòng điều hòa nhiều thời gian thì cần nhiều lượng nước hơn, mùa hè cơ thể tăng tiết mồ hôi thì cần uống nhiều hơn mùa đông. Ngược lại, nếu bạn là người tiêu thụ nhiều rau và trái cây thì có thể giảm uống nước lại bởi trong rau và trái cây cũng chứa một lượng nước nhất định.
Tiến sĩ William Roberts, người sáng lập Viện Y học Thế giới đã đưa ra vài lời khuyên sau:
-Không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc, chia thành nhiều thời điểm uống nước trong ngày để cơ thể từ từ hấp thu
– Không nên đợi khát mới uống nước, bởi vì khát đã là dấu hiệu báo động cơ thể đang mất nước khá nhiều. Do đó, bạn nên chủ động uống nước vào nhiều thời điểm trong ngày để tốt hơn cho sức khỏe.
-Muốn biết lượng nước bạn nạp vào đã đủ chưa thì nên quan sát màu sắc nước tiểu. Nước tiểu có màu hơi vàng hay trong nghĩa là bạn đã uống đủ nước.
Momo (Tổng hợp)